Dưới đây là 8 điều đặc biệt về cảm lạnh mà bạn nên biết để phòng bệnh tốt nhất.
1. Phải mất khoảng 48 giờ để lây nhiễm và gây bệnh
Bạn thấy cổ họng ngứa và chảy nước mũi? Hãy nghĩ xem 48 giờ trước bạn ở đâu. Có thể, là do bạn đã bị nhiễm lạnh. Các chuyên gia cho rằng phải mất 2 ngày thì hơi lạnh mới thâm nhập vào các tế bào và gây ra các triệu chứng. Khi đó bạn sẽ bối rối không biết mình bị cúm hay cảm lạnh?
Trong khi rất ít người có thể phân biệt được cúm hay cảm lạnh hoặc ngay cả các chuyên gia cũng thường bị đánh lừa bởi cảm lạnh giả mạo cúm, thì bạn có thể áp dụng nguyên tắc của Ron Eccles – Giám đốc Trung tâm phòng chống cúm tại Đại học Cardiff ở Anh: “Virus cảm lạnh thường không gây sốt. Còn bệnh cúm thường gây sốt và ho”.
2. Tập thể dục để chống lại cảm lạnh
Tủ thuốc của bạn có thể chứa đầy các loại thuốc chống cảm, nhưng theo các chuyên gia cách tốt nhất để chống lại cảm lạnh là “luyện tập để cơ thể toát mồ hôi”. Các nhà nghiên cứu Đại học Appalachian State đã nghiên cứu tác động của việc tập thể dục tới hệ miễn dịch và kết quả rất ấn tượng: Bất kỳ luyện tập nào, nhưng phải có trong giới hạn, cũng đều rất tốt.
Các nhà nghiên cứu cho rằng, muốn tránh được cảm lạnh trong mùa đông, bạn nên tập thể dục đều đặn mỗi ngày. Mỗi ngày bạn chỉ cần dành 30 phút đi bộ nhanh, để có thể tăng cường cho hệ miễn dịch của bạn. “Tập thể dục rất tốt ví nó chuyển máu đi khắp cơ thể và cũng di chuyển các tế bào trắng miễn dịch ra xung quanh để phát hiện những mầm bệnh”.
Ảnh minh họa
3. Ngủ muộn cũng góp phần làm bạn tăng nguy cơ bị sụt sịt và hắt hơi
Bạn đã ngủ được mấy giờ trong đêm qua? Nếu bạn ngủ ít hơn 7 giờ, thì bạn đã có nguy cơ bị cảm lạnh tăng gấp 3 lần so với việc bạn ngủ đủ 8 tiếng. Các nhà nghiên cứu cũng chỉ ra chất lượng giấc ngủ cũng rất quan trọng. “Ngủ hiệu quả” sẽ giúp bạn giảm nguy cơ bị cảm lạnh.
Chẳng hạn, một người dành 95% thời gian trên giường là ngủ sẽ ít bị nguy cơ cảm lạnh hơn 5 lần so với những người nằm trên giường lâu nhưng ngủ ít. Để đảm bảo giấc ngủ sâu, bạn không nên xem tivi trước khi đi ngủ và nên để ánh sáng trong phòng ngủ phù hợp.
4. Một cốc nước cam không phải là cứu cánh để chữa cảm lạnh
Khi bạn có những dấu hiện đầu tiên của cảm lạnh, bạn sẽ làm gì? Phản ứng đầu tiên của rất nhiều người là uống một cốc nước cam với hi vọng tăng cường vitamin C cho cơ thể, sẽ giảm nguy cơ bị cảm lạnh. Bạn nên xem xét lại điều này. Hơn 30 nghiên cứu đều đưa ra một kết luận chung: vitamin C không thể ngăn chặn hoặc giảm các triệu chứng của cảm lạnh.
Tuy nhiên, bạn cũng cần biết rằng, nếu cung cấp đủ vitamin C hàng ngày cho cơ thể thì bạn cũng có thể làm giảm nguy cơ bị cảm lạnh của mình. Bạn có thể bổ sung vitamin C bằng các thực phẩm tự nhiên: cam, chanh, đu đủ, các loại cải xanh và kiwi.
5. Virus cảm lạnh có thể khiến bạn tăng cân
Theo các nghiên cứu của Bệnh viện trẻ em Rady ở San Diego, họ thấy rằng những trẻ em bị nhiễm adenovirus 36 – một loại virus cảm lạnh thông thường có thể khiến các em bị gặp vấn đề về tiêu hóa và thường có cân nặng hơn so với các em cùng lứa tuổi, cùng cân nặng ban đầu, từ 3-4kg. Điều này cho thấy virus cảm lạnh có thể gây tăng cân.
Ảnh minh họa
6. Đồ uống nóng có thể làm giảm các triệu chứng cảm lạnh
Mẹ của bạn đã đúng – một cốc trà nóng hay một bát súp nóng có thể khiến bạn cảm thấy dễ chịu hơn khi đang bị cảm lạnh. Theo một nghiên cứu được công bố trong số ra gần đây của tạp chí Rhinology, các nhà nghiên cứu ở Anh nói rằng chỉ cần bạn nhấm nháp một loại đồ uống nóng có thể sẽ giúp làm giảm các triệu chứng cảm lạnh tồi tệ nhất của bạn, như ho, hắt hơi, chảy nước mũi, đau họng và mệt mỏi.
Các nhà nghiên cứu đã kiểm tra đồ uống nóng so với đồ uống ở nhiệt độ phòng và phát hiện ra rằng đồ uống nóng sẽ khiến người bị cảm lạnh có cảm giác tốt hơn. Bạn nên uống một cốc trà thảo dược với một vắt chanh và một muỗng cà phê mật ong, để làm giảm cảm giác đau, rát họng.
7. Trung bình mỗi người bị 200 lần cảm lạnh trong suốt cuộc đời
Theo ước tính, tính đến ngày sinh nhật lần thứ 75 của bạn,thì bạn có thể đã trải qua 200 làn cảm lạnh – nếu cộng tổng lại thì bạn dành 2 năm chỉ để hắt hơi, sổ mũi! Trong khi trẻ em thường bị từ bốn đến tám lần cảm lạnh mỗi năm thì người già lại ít bị cảm lạnh hơn.
Các chuyên gia tin rằng điều này là do hầu hết mọi người lớn tuổi đã được tiếp xúc với phần lớn các virus cảm lạnh. Nhưng Tiến sĩ Eccles cho biết thêm một loại virus mới có thể “đánh gục” người cao tuổi , thường biểu hiện trong bệnh đường hô hấp trên.
8. Cảm lạnh không phải là bệnh truyền nhiễm
Bạn lo sợ rằng, chỉ cần bắt tay với người bị cảm lạnh thôi là bạn cũng có thể bị truyền bệnh. Nghiên cứu gần đây của các chuyên gia tại Đại học Cardiff thấy rằng khi những người khỏe mạnh sống chung phòng với những người bị cảm lạnh, thì cũng rất khó để lây bệnh từ người ngày sang người khác.
Cảm lạnh không dễ lây lan, hầu hết các trường hợp trẻ bị lây cảm lạnh từ người thân là do quá trình tiếp xúc trong một thời gian tương đối dài, còn bình thường nếu chỉ tiếp xúc ngắn thì bạn hoàn toàn không lo bị nhiễm bệnh.
Theo Pháp Luật Xã Hội