Đông y cho rằng: Bệnh sởi là một loại ôn bệnh, dễ phát triển thành ôn dịch. Bệnh do khí hậu thay đổi trái mùa, những trẻ em có cơ địa trái với khí hậu của tự nhiên hoặc cơ thể yếu không chịu được thời tiết lúc đó thì dễ nhiễm bệnh.
Khi mới phát bệnh trẻ có triệu chứng như cảm mạo (Đông y gọi là thương phong). Trẻ sốt, ho, có khi khó thở, chảy nước mũi trong, hắt hơi, ngáp vặt, hai mắt đỏ, có trường hợp sợ ánh sáng, chảy nước mắt. Sau một hai hôm thì sốt cao hoặc khi sốt nhiều khi sốt ít, tinh thần mệt mỏi, hay buồn bã trằn trọc, ngủ lơ mơ, nằm không yên. Sau 3-4 ngày thì mụn sởi bắt đầu mọc trước hết là mọc ở mặt, ngực, lưng, eo lưng rồi toàn thân và tay chân, nốt sởi như hạt vừng, có màu đỏ, lúc đầu thưa sau mọc dày từng mảng. Sau 4-7 ngày thì bắt đầu lặn theo thứ tự nơi mọc trước thì lặn trước, nơi mọc sau thì lặn sau (đấy là thuộc thuận chứng) sốt bắt đầu giảm, các triệu chứng cũng theo đó mà giảm dần.
Phương pháp trị liệu: Khi sởi đã mọc rồi thì nên thanh lợi, khi sởi đã bay rồi thì nên dưỡng huyết để tránh bệnh nhân bị tổn thương âm huyết. Vì vậy khi bệnh mới phát, phải phát tán để đuổi tà khí ra ngoài, phải theo nguyên tắc chữa bệnh sởi của Hải Thượng Lãn Ông “Ma hý thành lương, đậu hý ôn” có nghĩa là bệnh sởi ưa dùng thuốc mát để phát biểu để cho sởi thấu suốt ra ngoài. Nhưng cũng cần xem khí hậu lúc đó nóng lạnh thế nào, kết hợp với chứng trạng của từng bệnh nhân mà biện chứng luận trị để dùng thuốc cho đúng.
Có thể dùng bài: bạc hà diệp 8g, phòng phong 8g, liên kiều 8g, mộc thông 6g, đạm trúc diệp 6g, cát cánh 8g, cát căn 8g, kinh giới 6g, chỉ xác 4g, tiền hồ 8g, cam thảo 4g. Ngưu hoàng 6g (có thể thay bằng sinh địa 8g, chi tử 8g), đăng tâm 4g để dẫn thuốc. Ngày uống một thang sắc chia 3 lần cho trẻ uống trước khi ăn.
– Khi sởi đã mọc khắp người nhưng trẻ vẫn sốt cao đó là do nhiệt độc ngăn trở bệnh không giải được. Phương pháp điều trị: thanh nhiệt giải độc.
Bài thuốc: cát căn 12g, địa cốt bì 8g, liên kiều 8g, bạc hà 4g, cát cánh 8g, phòng phong 8g, hoàng cầm 4g, huyền sâm 8g, mộc thông 8g, hoàng liên 6g, tri mẫu 8g, cam thảo 4g, sinh địa 8g, chi tử 8g, sinh khương 3 lát, đăng tâm 8g. Ngày uống một thang, sắc chia 3 lần cho trẻ uống trong ngày, uống liên tục 3 ngày.
– Khi sởi đã bay hết nhưng do tân dịch bị tổn thương mà trẻ vẫn còn sốt nhẹ. Dùng bài: sài hồ 8g, xích thược 6g, địa cốt bì 8g, tri mẫu 8g, hoàng cầm 6g, sinh địa 8g, mạch môn 8g, cam thảo 4g, sinh khương 3 lát, đăng tâm 6g.
Cách dùng: ngày uống một thang, sắc uống 3 lần trong ngày, uống sau khi ăn.
Chú ý: Không để bệnh nhi cảm nhiễm thêm hàn tà hoặc nhiệt độc bị biến chứng sưng phổi hoặc tiêu chảy thì bệnh sẽ trở nên nguy cấp.
Theo suckhoedoisong