Khi nào cần lo lắng về việc trẻ chậm nói? Đấy là câu hỏi mà rất nhiều mẹ quan tâm. Các dấu hiệu trẻ chậm nói sau sẽ giúp mẹ phát hiện sớm và tìm cách dạy bé kịp thời.
Khi nào nên lo lắng về việc trẻ chậm nói
Thực tế, đúng là mỗi trẻ đều có một mức độ phát triển khác nhau phụ thuộc vào chế độ dinh dưỡng, hoàn cảnh sống, cách giáo dục của bố mẹ…Tuy nhiên từ 18 đến 24 tháng bé phải có vốn từ khoảng 20-50 từ hoặc hơn vào thời điểm 2 tuổi. Có những bé ở thời điểm 2 tuổi đã có thể học cách kết nối 2 từ hoặc thành câu ngắn “mẹ đi làm”, “bé ngủ”, “Bố ơi”… Đồng thời trẻ 2 tuổi cũng có thể thực hiện được một số chỉ dẫn đơn giản như “đưa cho bố cái khăn”, “nhặt chiếc thìa lên”…
Thời điểm 2 đến 3 tuổi là lúc trẻ có sự “bùng nổ” về ngôn ngữ. Nhiều bố mẹ chia sẻ là bé nói nhiều đến nỗi mà về nhà chỉ nghe mỗi giọng bé. Khi nào bé đi ngủ thì cả nhà mới yên tĩnh. Vốn từ của bé tăng lên rất nhiều và bé có thể nói được cả câu dài đúng ngữ cảnh và đúng trạng thái tình cảm.
Với các bé chậm nói, cần phân biệt hai khả năng về ngôn ngữ:
Nếu bé vẫn hiểu được lời nói: chỉ đúng những gì bố mẹ hỏi như “tai đâu, mắt đâu…” và thực hiện đúng những mệnh lệnh giản đơn như lấy mũ, dép cho mẹ, đưa đồ cho mẹ, nói hoan hô con biết vỗ tay, nói “bye bye” con biết vẫy tay… thì đó chỉ là chậm nói đơn thuần. Nếu được giúp đỡ tốt thì các bé này có thể phát triển lời nói rất nhanh để không bị chậm trễ về mặt ngôn ngữ khi đến tuổi đi học.
Ngược lại, những bé bị chậm cả diễn đạt lẫn cảm thụ ngôn ngữ thường có căn nguyên nghe kém hoặc chậm khôn. Việc giúp đỡ sẽ khó khăn hơn nhiều. Bé nhất thiết phải được các bác sĩ chuyên khoa tai khám, đo sức nghe và đo chỉ số IQ.
Các dấu hiệu trẻ chậm nói
1. Bé không quay lại khi nghe gọi tên: Não bộ của bé phản ứng không tốt, và đó cũng là biểu hiện đầu tiên của hệ thần kinh kém phát triển.
2. Bé không sợ người lạ: Không phải do bé dạn người hay quá hòa đồng, mà đó có thể là bé không phân biệt được người lạ hay quen.
3. Bé lắc đầu mỗi khi phấn khích.
4. Bé không bắt chước: Đó là biểu hiện cho thấy bé không có khả năng tập trung theo dõi hành động của người lớn và làm theo. Nếu không dạy thì bé không biết để ý học và sẽ không bao giờ biết.
5. Bé không biết chỉ bằng một ngón trỏ: Khi trẻ chỉ bằng một ngón là bé đã có khả năng tập trung để nhìn vào một hướng.
6. Bé mê coi quảng cáo: Cứ có quảng cáo là bé ngồi xem say sưa, thậm chí vẫy tay trước mặt bé, bé cũng không chớp mắt. Cha mẹ mua đĩa quảng cáo về cho bé coi, để làm việc.
Sai lầm lớn, với những trẻ bình thường xem quảng cáo ít thì cũng có lợi vì trẻ có thể học được vài thứ hay. Nhưng với trẻ chậm phát triển thì coi quảng cáo càng làm cho bé chìm vào thế giới ảo của quảng cáo.
Trong quảng cáo, hình ảnh và âm thanh biến đổi nhanh và sôi động hơn bình thường. Trẻ càng thích coi hình ảnh của quảng cáo nhiều sẽ càng chán hình ảnh của thế giới thực vì nó không sáng, không chuyển hình nhanh bằng.
7. Hay ăn vạ, kêu khóc khi đòi một cái gì đó: Các bé không có hoặc không biết sử dụng ngôn ngữ hay ăn vạ hơn bé bình thường vì chúng không biết làm sao để thể hiện ý muốn của mình.
8. Bé ra ngoài là cắm đầu chạy: Chạy nhiều hơn đi là biểu hiện của chứng tăng động, thiếu khả năng tập trung.
9. Bé khó ăn, khó ngủ, không chịu nhai.
10. Bé không tập trung làm cái gì đó lâu.
Theo Phunutoday