Yếu tố quan trọng trong quản lý bệnh đái tháo đường là kiểm soát số lượng thực phẩm thuộc nhóm bột, đường trong khẩu phần của mình.
Sự lựa chọn thực phẩm sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến lượng đường trong máu Ổn định đường trong máu chính là mục tiêu đầu tiên trong điều trị đái tháo đường. Yếu tố quan trọng trong quản lý bệnh đái tháo đường là kiểm soát số lượng thực phẩm thuộc nhóm bột, đường trong khẩu phần của mình.
Ngoài ra, cũng không kém phần quan trọng là kiểm soát ngăn ngừa các biến chứng của bệnh đái tháo đường như khẩu phần hạn chế chất béo no (mỡ động vật), khẩu phần hạn chế muối (ít hơn 6 g/ngày) và khẩu phần giàu chất xơ (25 g-30 g chất xơ/ngày).
Kiểm soát từng nhóm thực phẩm
Đối với nhóm lương thực, ngũ cốc giàu chất bột như gạo, mì, nui, bánh mì, các loại đậu… nên chọn loại còn nhiều chất xơ như gạo chưa qua chà xát, đậu (còn vỏ).
Đối với nhóm trái cây, nên dùng kết hợp vài loại trái cây trong ngày, dùng vào các bữa phụ xen kẽ bữa chính, hoặc sau khi ăn. Một ngày dùng 2 – 3 lần. Phải lưu ý kết hợp giữa trái cây giàu đường và trái cây ít đường.
Đối với nhóm thực phẩm giàu đạm như thịt, cá, trứng… nên ăn vừa đủ trong 3 bữa chính. Chú ý đậu phụ làm từ đậu nành là thực phẩm rất giàu đạm thực vật, nên kết hợp đạm thực vật với đạm động vật. Đạm động vật thường kèm chất béo cao, do đó nên chọn loại nạc ít chất béo. Đặc biệt, lưu ý đừng thiếu 1 – 2 cữ sữa trong ngày, vì sữa là nguồn thực phẩm không chỉ giàu đạm mà còn cung cấp dồi dào lượng khoáng chất cần thiết như canxi, sắt, kẽm, ma-giê… Đối với nhóm cung cấp chất béo, nên hạn chế dùng mỡ động vật, margarine, bơ vì đây là những loại thực phẩm giàu transfat, bất lợi cho tim mạch. Sử dụng dầu thực vật hoặc cá thì có lợi cho tim mạch.
Đối với nhóm rau, gồm rau lá, rau củ, rau trái, nên sử dụng đa dạng các loại rau trong bữa ăn. Tổng cộng khoảng 300 g/ngày. Như vậy mới đáp ứng được nhu cầu chất xơ trong ngày. Cuối cùng, đối với nhóm gia vị hay nước xốt hoặc nước trộn có đường, lượng đường có thể sử dụng trong ngày trung bình không quá 10g.
Nên chọn đa dạng thực phẩm
Mỗi người bệnh đái tháo đường đều khác nhau, không ai giống ai. Phải tạo bữa ăn theo nhu cầu riêng và nhu cầu đặc biệt nếu có cho mỗi người bệnh. Nên chọn đa dạng thực phẩm, kết hợp nhiều loại thực phẩm trong bữa ăn, trong ngày. Trong bữa ăn nên dùng các món canh, xúp, rau trước khi ăn đến món ăn chính. Vì là khẩu phần hạn chế đường, béo, muối và giàu chất xơ, người bệnh nên chế biến các món ăn theo cách luộc, hầm, nấu (ít sử dụng chất béo thêm vào) hơn là các món chiên xào nhiều dầu mỡ.
Hạn chế muối bằng cách nấu không nêm nếm trước, đến khi ăn mới lường cho muối hay nước mắm vào phần ăn của mình. Tăng cường chất xơ bằng các món rau như rau trộn, rau luộc, rau xào, rau nấu canh… Nên có các bữa ăn phụ (2 – 3 bữa) giữa các bữa ăn chính để giúp giảm đói giữa bữa và phòng ngừa giảm đường huyết. Các bữa phụ nên là sữa, trái cây…
Theo suckhoedoisong