Điều trị bệnh viêm phổi có hiệu quả và tránh biến chứng là chữa trị kịp thời và thích hợp. Không nên để nặng qúa rồi mới đi bác sĩ, vì vừa làm bệnh nặng, khó chữa, nguy cơ bị biến chứng và tử vong cao, mà lại tốn kém hơn rất nhiều.
1.Khi nào nên đi bác sĩ hoặc vào phòng cấp cứu?
Nếu triệu chứng nặng, với khó thở, sốt cao, nên vào bệnh viện càng sớm càng tốt. Những người triệu chứng không thật rõ ràng, nhưng nếu tuổi cao, trẻ em nhỏ, hoặc đã có sẵn nhiều bệnh khác, cũng cần đi gặp bác sĩ sớm, hoặc nếu thấy có vẻ trầm trọng thì cũng nên đi thẳng vào bệnh viện để được chữa trị kịp thời và thích hợp.
Nếu cảm cúm kéo dài hơn một tuần hoặc trở nặng, cũng cần đến bác sĩ để xem có bị biến chứng viêm phổi chưa.
Điều quan trọng nhất để trị bệnh có hiệu quả và tránh biến chứng là chữa trị kịp thời và thích hợp. Không nên để nặng qúa rồi mới đi bác sĩ, vì vừa làm bệnh nặng, khó chữa, nguy cơ bị biến chứng và tử vong cao, mà lại tốn kém hơn rất nhiều.
2. Viêm phổi thường được chữa như thế nào?
Có ba chuyện chính:
– Một là chữa nguyên nhân viêm phổi, thường là do vi trùng hoặc đôi khi là do siêu vi trùng. Nguyên nhân thường được chữa bằng kháng sinh. Lúc đầu bác sĩ có thể cho kháng sinh bao vây tùy theo nguyên nhân và các nguy cơ của từng bệnh nhân đối với các loại tác nhân gây bệnh khác nhau.
Sau đó dựa trên các kết quả xét nghiệm như cấy đàm, cấy máu để xác định chắc chắn nguyên nhân cũng như độ nhạy thuốc của tác nhân gây bệnh mà bác sĩ có thể điều chỉnh thuốc cho thích hợp.
– Hai là chữa các triệu chứng và biến chứng. Ví dụ như sốt thì phải hạ sốt, khó thở thì phải cho dưỡng khí và đôi khi phải đặt ống thở để cho thở máy, vân vân…
– Ba là nâng đỡ và duy trì sức đề kháng của cơ thể bằng cách nghỉ ngơi, dùng đủ nước, dinh dưỡng đầy đủ, giữ cơ thể vệ sinh, sạch sẽ.
3. Có thể tự chữa viêm phổi ở nhà hay không?
Những người trẻ, sức đề kháng của cơ thể còn tốt, bệnh vừa mới phát, có thể cho thuốc uống tại nhà.
Những trường hợp nặng hoặc cơ thể vốn đã yếu như những người đã bị bệnh kinh niên, người già, trẻ em nhỏ, dễ bị biến chứng, có thể sẽ cần phải điều trị trong bệnh viện từ hai ngày đến một tuần vì cần truyền thuốc qua tỉnh mạch và các phương pháp hỗ trợ khác như thở dưỡng khí, và sẵn sàng để đối phó kịp thời nếu biến chứng xảy ra.
Cần chú ý là thuốc giảm sốt chỉ chữa triệu chứng, phải dùng đúng kháng sinh thì mới chữa được nguyên nhân của sốt, tức là nhiễm trùng.
4. Phải làm gì nếu sốt cao quá?
Nếu sốt nhẹ, có thể chỉ cần giữ mát và chườm nước, hoặc đi tắm. Nếu sốt trên 38.5 độ C thì nên bắt đầu cho thuốc giảm sốt. Cần phải chú ý nhất là ở trẻ em, vì sốt cao quá có thể gây ra động kinh và tổn thương não của trẻ.
Điều cần chú ý là khi bị sốt, không nên “úm” kỹ, mặc quần áo dầy, trùm mền…, vì sẽ làm sốt nặng hơn. Nếu sốt cao trên 39 độ C, dùng thuốc không thấy bớt chút nào, thì nên đi bác sĩ và bệnh viện ngay.
Cần chú ý là thuốc giảm sốt chỉ chữa triệu chứng, phải dùng đúng kháng sinh thì mới chữa được nguyên nhân của sốt, tức là nhiễm trùng.
5. Có nên tắm rửa khi bị viêm phổi hay không?
Nói chung, dù bị viêm phổi, cảm, cúm hay bệnh gì khác, giữ cơ thể sạch sẽ là điều cần thiết để làm cho ta cảm thấy thoải mái hơn, và giúp mau hết bệnh.
Như đã nói, lạnh không phải là nguyên nhân của viêm phổi, do đó ta không cần phải tránh nước. Nếu sợ lạnh, thì tắm rữa bằng nước hơi ấm một chút cũng là điều tốt.
6. Cần phải uống thuốc như thế nào?
Thứ nhất, nên đi bác sĩ để được chẩn đoán chính xác hầu kê đúng thuốc. Không nên mượn thuốc của người khác. Cần nhớ là người chẩn đoán và cho thuốc nên là bác sĩ chứ không phải là y tá hay dược sĩ.
Khi đã được cho thuốc, cũng cần nhớ theo đúng lời dặn. Nhất là thuốc trụ sinh, dù thấy bệnh đã bớt chỉ sau vài ngày, cũng phải dùng đủ liều và đủ ngày để tránh lờn thuốc cho cả mình lẫn cộng đồng.
7. Dinh dưỡng cho người bị viêm phổi?
Nên bảo đảm đủ dinh dưỡng bằng những thức bổ dưỡng và dễ tiêu. Nói chung nên ăn nhiều bữa hơn, và mỗi bữa nhỏ hơn bình thường. Ví dụ, bình thường ăn ba bữa mỗi bữa ba chén, thì khi bệnh nên ăn năm sáu bữa, mỗi bữa nữa chén hay một chén các thức ăn dễ tiêu nhưng đầy đủ chất bổ.
Nên quan niệm ăn uống trong lúc bệnh cũng là một loại “thuốc” để duy trì và nâng đở sức đề kháng của cơ thể, đừng chờ ngon miệng mới ăn.
8. Làm sao để tránh được các biến chứng, và biết được mình có bị biến chứng hay chưa?
Mỗi loại biến chứng sẽ có các triệu chứng khác nhau. Tuy nhiên, nói chung, một cách dễ hiểu, nếu thấy bệnh không bớt mà trở nặng lên, với các triệu chứng sốt cao, mê man, khó thở, tím tái, đau ngực…, là có thể đã có biến chứng. Cách tốt nhất để tránh biến chứng là trị bệnh sớm và thích hợp, như đã tóm tắt như trên.
Theo caythuoc