Theo các chuyên gia nam khoa, nhiều vị phụ huynh đã không quan sát hình dáng hay những bất thường có thể mắc phải ở bộ phận sinh dục của con…
Sau khi bé trai được cắt bao quy đầu, các bậc phu huynh cần chú ý chăm sóc vết thương và vệ sinh cho bé sach sẽ. Ảnh minh họa
“Của quý” to như trứng gà mới đi khám
Có mặt trước cửa một phòng khám Nam khoa tại Hà Nội, chị Hồng Thương (35 tuổi, ở Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, chị đưa con trai út đi khám “của quý”. Hóa ra, cháu Bin (4 tuổi) – con trai chị có vấn đề về bao quy đầu.
“Thấy cháu đi vệ sinh nhẹ thường lâu hơn con trai cả, tôi chủ quan nên cũng không để ý. Bình thường cháu đòi tắm rất nhanh, không để mẹ chạm nhiều đến bộ phận sinh dục. Hôm trước, tôi tò mò, phát hiện ra phần đầu “của quý” của cháu lúc đi tè phình to như quả trứng gà con con, lúc tè xong thì xẹp dần. Hoảng quá, tôi đưa cháu đi khám xem bị làm sao”, chị Hồng Thương tâm sự.
Bác sĩ nam khoa Nguyễn Bá Hưng (Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vimec) giải thích: “Hình dung dễ hiểu là khi đi tiểu, lỗ tiểu của trẻ to trong khi lỗ vòng bao quy đầu lại bé khiến nước tiểu không thoát được ra ngoài dễ dàng, dẫn tới nước ứ đọng trong bao quy đầu và làm cho đầu bộ phận sinh dục phồng lên. Đó là lý do vì sao trẻ đi tiểu mất rất nhiều thời gian và rất hay dính vào quần”.
Trên các diễn đàn làm cha mẹ, chăm sóc trẻ… chủ đề về chít hẹp bao quy đầu nhận được rất nhiều câu hỏi, thắc mắc, tâm sự của các vị phụ huynh. Bao quy đầu là một bao da bao bọc phần đầu của bộ phận sinh dục nam. Bao da này bao bọc phần lớn quy đầu từ lúc sinh ra và có thể bong tách dần cùng với sự lớn lên của đứa bé (thông thường sau 4 tuổi trở ra thì rất dễ tách). Đến tuổi dậy thì, bao da này tự lộn ra một cách tự nhiên do phần “lõi” phát triển to và dài ra nhanh hơn phần vỏ (bao quy đầu), từ đó bao quy đầu luôn lộn ra và không còn bao bọc quy đầu nữa. Tình trạng lộn ra như thế này sẽ kéo dài đến hết đời.
“Những trường hợp không thể lộn được bao này ra gọi là hẹp bao quy đầu. Trường hợp lộn được ra nhưng vòng bao thắt lại ở cổ quy đầu gọi là bán hẹp. Còn trường hợp lộn ra được dễ dàng nhưng lại bị tụt xuống ngay gọi là bao quy đầu dài”, BS Nguyễn Bá Hưng giải thích.
Phụ huynh không nên tự làm thủ thuật này
Bao quy đầu có nhiệm vụ bảo vệ quy đầu. Khi sinh ra, 100% trẻ em có tình trạng bao quy đầu dính chặt vào quy đầu, chỉ hở phần vòng bao để nước tiểu từ lỗ sáo (lỗ đái) đi ra. Sự dính chặt này khiến các bậc phụ huynh không thể lộn bao quy đầu cho trẻ được. Đây gọi là hiện tượng dính (hẹp) bao quy đầu sinh lý, không cần phải can thiệp gì cả.
Vậy hẹp bao quy đầu bệnh lý là như thế nào? Trẻ có các biểu hiện như, khi đi tiểu bao quy đầu phồng to lên rồi khi đái xong bao này xẹp lại như cháu Bin ở trên; vén da quy đầu của trẻ thấy vòng bao này nhỏ hẹp xơ dính, viêm tấy đỏ; trẻ thường xuyên có tình trạng viêm bao quy đầu (biểu hiện là trẻ hay sờ chim và chim sưng tấy); trẻ hay bị viêm tiết niệu tái đi tái lại…
“Với những trường hợp bệnh lý, các bác sĩ buộc phải cắt bao quy đầu cho trẻ ở bất cứ thời điểm nào bởi nếu để lâu, tình trạng này sẽ gây ảnh hưởng tới sức khỏe. Ngoài ra, nó có thể gây sự cố về tình dục sau này như rách vòng bao, gia tăng nguy cơ lây nhiễm các bệnh lây truyền qua đường tình dục như HIV, giang mai, sùi mào gà…”, BS Hưng cảnh báo.
“Với trẻ khỏe mạnh dưới 4 tuổi, khi tắm cho trẻ, cha mẹ nên vén nhẹ bao quy đầu lên, nếu thấy lỗ vòng bao rộng để có thể quan sát thấy toàn bộ lỗ tiểu thì không phải lo trẻ bị hẹp bao quy đầu. Còn khi trẻ trên 4 tuổi, nếu vén nhẹ mà mới thấy lộ được mỗi phần lỗ tiểu thì lúc đó cha mẹ nên lo lắng về tình trạng hẹp bao quy đầu. Cần đưa trẻ tới bác sĩ nhi hoặc nam khoa để được khám, can thiệp sớm. Các bậc phụ huynh không nên tự ý nong cho trẻ”, BS Nguyễn Bá Hưng nói.
Theo suckhoedoisong