Rôm sảy ở bà bầu có đặc điểm là một số vùng da trên cơ thể nổi mụn đỏ li ti kèm theo ngứa ngáy, khó chịu, nhất là vào những ngày thời tiết nóng nực. Cảm giác bị ngứa được nhiều thai phụ miêu tả là “chẳng khác gì ngồi trên đống lửa”.
Nguyên nhân khiến mẹ bầu bị rôm sảy
– Nguyên nhân là do sự tăng thân nhiệt khi mang bầu, làn da ẩm ướt do không thoát được mồ hôi, do sự ma sát giữa hai vùng da với nhau (ở vùng da gấp) hoặc do da với quần áo.
– Rôm sảy có thể bắt nguồn từ sự kích ứng nhẹ với làn da, nhiều khi thai phụ cũng không để ý tới.
– Những vùng da bị nổi rôm phổ biến: dưới ngực, bụng dưới, đùi trong, lưng…
Cách đối phó với tình trạng rôm sảy khi mang bầu
– Một chiếc khăn mát, sạch là gợi ý hay để mẹ bầu có thể dịu cơn bỏng rát của vùng da bị rôm.
– Kem bôi chứa calamine (quặng kẽm) được coi là an toàn và có tác dụng làm dịu vùng da bị tấy đỏ. Ngoài ra còn có cả một số loại thuốc uống để làm dịu và biến mất tình trạng rôm sảy ở bà bầu. Tuy nhiên, trước khi muốn dùng một loại thuốc nào (bôi ngoài da hoặc uống), thai phụ nên hỏi ý kiến bác sĩ để đảm bảo chúng an toàn cho cả mẹ và bé.
– Ngoài ra, thai phụ có thể trao đổi thêm với bác sĩ về việc dùng phấn rôm (loại dành cho các bé) để xoa lên vùng da bị rôm sảy. Nhiều người mẹ có kinh nghiệm cho biết, cơn ngứa sẽ được hạ nhiệt khi họ dùng phấn rôm của các bé.
– Mặc trang phục thoáng mát, thấm mồ hôi tốt là điều quan trọng để phòng tránh và giảm thiểu tình trạng rôm sảy khi bầu bí.
– Tránh xa các yếu tố gây kích ứng da như nước hoa, kem dưỡng da, mỹ phẩm…
– Nên tắm nước mát (không lạnh, không nóng), tắm bằng vòi hoa sen nhưng không nên tắm quá lâu.
– Nên tăng cường rau xanh, hoa quả tươi, nước lọc để làm mát cơ thể.
– Nên hạn chế cào gãi vì càng gãi, các mảng rôm sẽ có nguy cơ lan rộng hoặc bị nhiễm trùng.
Theo Afamily