Bình thường khi ta nhìn vào một vật thì trục thị giác của hai mắt cùng quy tụ vào vật nhìn. Nhưng với người lác một bên mắt thì trục thị giác mắt lác lệch đi.
Trong hốc mắt ngoài nhãn cầu ra, còn có 6 cơ vận động nhãn cầu. Đó là 4 cơ thẳng đều xuất phát từ đỉnh hốc mắt ở vòng Zinn đi ra trước và tận dính bắng bốn dải cơ vào phần trước của nhãn cầu. Cả 4 cơ thẳng trên, dưới, trong ngoài có nhiệm vụ vận động nhãn cầu theo gần đúng tên chúng. Duy cơ thẳng trên, cơ thẳng dưới thì ngoài tác động đưa mắt lên trên và xuống dưới, còn kéo mắt hơi lệch vào phía mũi. Còn 2 cơ chéo (chéo lớn và chéo bé), chéo lớn đưa mắt xuống dưới – ngoài, cơ chéo bé đưa mắt lên trên và ra ngoài. Mắt nhìn thẳng hay lườm, liếc là do 6 cơ này hoạt động dưới sự điều khiển của 2 dây thần kinh số III và IV. Nếu vì một lý do nào đó chi phối làm cho hai mắt không cân bằng, không cùng nhìn về một phía thì gọi là lác (các tỉnh miền Nam nước ta gọi là lé). Lác thường phát sinh ở tuổi nhỏ, có trường hợp ngay từ khi mới lọt lòng mẹ.
Người ta phân chia ra 3 loại: Lác bẩm sinh, xuất hiện từ khi mới lọt lòng đến dưới 1 tuổi. Lác hậu đắc sớm, xuất hiện từ 1 – 2 tuổi. Lác hậu đắc muộn, xuất hiện từ sâu 2 tuổi trở lên.
Bình thường khi ta nhìn vào một vật thì trục thị giác của hai mắt cùng quy tụ vào vật nhìn. Nhưng với người lác một bên mắt thì trục thị giác mắt lác lệch đi – mắt lác và mắt lành nhìn vào vật hai trục khác nhau do đó nhìn một vật hoá hai (hiện tượng song thị) rất khó cho sinh hoạt. Để thích nghi, con mắt bên lác lâu dần trở thành mờ đi – đó chính là tình trạng trung hoà thị lực mắt bên lác người bệnh chỉ nhìn bằng một mắt, mắt kia lâu ngày không hoạt động sẽ thành nhược thị (bị vô hiệu hoá).
Về nguyên nhân lác mắt có nhiều
Có thể do tật khúc xạ (cận thị, viễn thị, loạn thị) hoặc do sự co quắp điều tiết, do sự cấu tạo bất thường bẩm sinh của hệ vận động nhãn cầu (ở các cơ thẳng và cơ chéo), hoặc do tổn thương thần kinh hay do hậu quả của bệnh ở não… Nhưng nguyên nhân nào cũng đều dẫn đến tạo sự khác lệch giữa hai mắt, hình ảnh thu nhận giữa hai mắt không khớp nhau – mắt lác yếu hơn, nhìn mờ, ngày càng giảm thị lực…
Lác là một tật có thể chữa được với kết quả khả quan cả về hai mặt chức năng và thẩm mỹ. Tuy nhiên còn phụ thuộc vào bệnh trạng: Thời gian bị lác lâu hay mới, nếu bệnh đã lâu thành cố tật càng khó phục hồi. Bởi vậy, những trẻ bị lác cần đưa đến chuyên khoa mắt để được chữa sớm. Tuổi càng nhỏ càng dễ phục hồi. Nhiều nhà y học đã khẳng định nếu được điều trị trước 3 – 4 tuổi kết quả tốt là 92%, từ 6 – 8 tuổi đạt được 62%, còn trên 10 tuổi chỉ đạt được 62%, còn trên 10 tuổi chỉ đạt kết quả có 18%. Cách điều trị là chỉnh thị giác được áp dụng cho tất cả các trường hợp có nhược thị, có thể áp dụng các phương pháp bịt mắt lành hoàn toàn (bịt mắt tốt từ 2 – 4 tuần để tạo điều kiện tập trung bên mắt bị nhược thị tập luyện phục hồi thị lực); bịt mắt lành cục bộ (không cho mắt lành nhìn xa, hoặc không được nhìn gần, hoặc luôn luôn nhìn không rõ); phục thị (kích thích hoàng điểm tập luyện phục hồi mối quan hệ mắt tay, kích thích đặc biệt vỏ não)… Tiếp đó là điều trị phẫu thuật lệch trục nhãn cần. Sau phẫu thuật, bệnh nhân cần được kiểm tra lại thị lực, chức năng thị giác hai mắt và được hướng dẫn điều trị cho phù hợp.
Với người trưởng thành con mắt bên lác lâu dần đã trở thành nhược thị quá nặng, càng ngày càng giảm thị lực để thích nghi với con mắt bên lành tránh hiện tượng song thị (nhìn vào 1 vật hoá 2 do hai mắt nhìn vào một vật với hai trục khác nhau), nên nó đã bị vô hiệu hoá. Nếu chỉ giải quyết vấn đề thẩm mỹ cho hai mắt cân đối không lác, người ta có thể tiến hành phẫu thuật. Phẫu thuật viên sẽ điều chỉnh các cơ vận nhãn cho cân bằng chứ không có khả năng phục hồi thị lực của mắt lác, vì vậy sau một thời gian dễ bị lác tái phát.
Theo suckhoedoisong