Phù phổi cấp trong sản khoa thường xảy ra ở các bệnh nhân mắc bệnh tim, tăng huyết áp, bệnh thận hoặc các bệnh nhiễm khuẩn trong lúc mang thai.
Cũng có khi do truyền dịch quá nhiều, quá nhanh. Phù phổi cấp nếu phát hiện sớm rất có lợi trong điều trị và có thể ngăn chặn được cơn phù phổi xảy ra, tránh được nguy cơ tử vong cho cả mẹ và thai nhi.
Các yếu tố ảnh hưởng đến phù phổi cấp
Có nhiều yếu tố ảnh hưởng gây lên tình trạng phù phổi trong sản khoa điển hình là:
Bệnh tim: Tùy thuộc vào mức độ nặng hay nhẹ của bệnh tim trong đó điển hình nhất là hẹp van 2 lá với biến chứng chủ yếu của nó là phù phổi (70-90%). Hẹp càng khít bệnh càng nặng và biến chứng càng nhiều. Tổn thương nhiều van bệnh càng nặng.
Số lần đẻ: Những người đẻ con so có bệnh tim nguy cơ xảy ra thấp hơn so với người đẻ nhiều.
Tuổi thai: Thai càng lớn biến cố tim sản xảy ra càng nhiều.
Các bệnh lý tăng huyết áp trong thai kỳ, nhất là tiền sản giật nặng cơn phù phổi cấp có nhiều thuận lợi xảy ra khi ta làm đầy lòng mạch khi gây tê ngoài màng cứng hay tủy sống trong vô cảm cho bệnh nhân tăng huyết áp. Người ta cũng thấy rằng phù phổi cấp cũng có thể xảy ra ở giai đoạn hậu sản, đây là giai đoạn cao điểm, có thể trầm trọng hơn so với lúc mang thai, thông thường HA lên trở lại với trị số cao từ giờ thứ 12 sau đẻ – Đây là giai đoạn dễ có suy tim và phù phổi cấp, nguy cơ sẽ gia tăng nếu có phù nhiều, truyền dịch nhiều khi đẻ.
Ngoài ra phù phổi cấp còn gặp trong các trường hợp thiếu máu, suy dinh dưỡng, nhiễm khuẩn, sốt rét và bệnh thận, ngộ độc thuốc và các độc chất khác…
Biểu hiện
Thể bán cấp: Bà mẹ khó thở đột ngột, cảm giác ngứa cổ, có thể không có đờm bọt. Loại này hay gặp.
Thể điển hình: Đây là cơn kịch phát, tính chất rầm rộ với các tính chất và triệu chứng sau: Bà mẹ đột ngột khó thở, nhịp thở nhanh, ho nhiều, môi và đầu chi tím, tinh thần hốt hoảng lo sợ, tức ngực, vã mồ hôi lạnh chân tay. Các triệu chứng trên nặng lên nhanh, tim thường có nhịp nhanh > 100 lần/phút, kèm theo các tiếng tim bệnh lý đôi khi có tiếng ngựa phi.
Huyết áp: Huyết áp thường kẹp, HA tăng cao trong tiền sản giật, các bệnh thận hoặc cơn tăng huyết áp. Có thể gặp HA hạ do trụy tim mạch, đây là bệnh cảnh nặng chứng tỏ tim mất bù và suy hô hấp cấp. Ngoài ra người ta có thể gặp thể tối cấp chỉ diễn tiến nhanh trong vòng vài phút. Bất kỳ thể lâm sàng nào của phù phổi cấp cũng đều cho tiên lượng xấu như nhau.
Dễ nhầm lẫn
Do có nhiều nguyên nhân gây nên tình trạng phù phổi cấp và biểu hiện khởi điểm rất nhanh khiến cho các bà mẹ khó có thể nhận thấy, mặt các các triệu chứng giống như các bệnh cảnh tương tự như: Cơn hen phế quản, viêm phổi – phế quản,… khiến cho việc chẩn đoán và tiên lượng khó khăn.
Xử trí như thế nào?
Trong quá trình mang thai, hoặc chuyển dạ khi có biểu hiện khó thở nghi ngờ cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được khám và điều trị. Tại tuyến xã, tư vấn cho gia đình biết tình trạng nặng của bệnh, nguy cơ cho mẹ và cho con. Cán bộ y tế phải tiêm dưới da 10mg morphin và chuyển lên tuyến huyện ngay, có nhân viên y tế đi kèm, cho người bệnh thở ôxy (nếu có), tư thế đầu cao khi chuyển tuyến.
Theo suckhoedoisong