Trong y học cổ truyền, tình trạng rối loạn bài tiết mồ hôi thuộc phạm vi “hãn chứng”. Trong trị liệu hãn chứng, y học cổ truyền căn cứ vào tính chất, mức độ của tình trạng rối loạn bài tiết mồ hôi để lựa chọn các vị thuốc, bài thuốc, các huyệt vị châm cứu nhằm xây dựng phác đồ điều trị phù hợp.
Ngoài ra, trên cơ sở quan điểm “y thực đồng trị”, người xưa còn chú ý sử dụng các loại thực phẩm để phòng và chống chứng bệnh tuy không nguy hiểm đến tính mạng nhưng nhiều khi tạo nên cảm giác hết sức khó chịu này. Xin được dẫn ra một số ví dụ điển hình dưới đây:
Gạo nếp: Có công dụng bổ trung ích khí, thích hợp với cả đạo hãn và tự hãn. Theo sách Bản thảo cương mục, để trị chứng tự hãn, nên dùng gạo nếp phối hợp cùng tiểu mạch với liều lượng bằng nhau, sao thơm tán bột, uống mỗi ngày 2 lần, mỗi lần 10-15g. Ngoài ra, rễ cây lúa nếp cũng có tác dụng trị hãn chứng, thường dùng từ 30-60g phối hợp với đại táo 5-10 quả, sắc uống hàng ngày.
Đậu đen: Thường dùng vỏ đậu đen 15g, phù thiểu mạch 20g sắc uống để trị các chứng đạo hãn, tự hãn, ra mồ hôi nhiều sau khi mắc các bệnh lý nhiễm trùng có sốt. Cũng có thể dùng đậu đen 30g, phù tiểu mạch 30g, hoàng kỳ 30g, sắc uống hàng ngày.
Phù tiểu mạch: Sách Vệ sinh bảo giám viết: “Trị tự hãn cập hư hãn bất chỉ: phù tiểu mạch, văn vũ hỏa sao lệnh tiêu, vị mát. Mỗi phục nhị tiền, mễ ẩm điều hạ, tần phục vị giải”. Kinh nghiệm dân gian thường dùng phù tiểu mạch 30g, phục linh 10g, mạch môn 10g sắc uống để trị chứng tự hãn và đạo hãn.
Gan dê: Công dụng bổ hư kiện tỳ, chỉ tự hãn. Thường dùng gan dê 200g, đậu đen 30g, hoàng kỳ 30-60g hầm nhừ, ăn gan và uống nước hầm.
Tim lợn (trư tâm): Sách Chứng trị yếu quyết viết: “Trị tâm hư đa hãn bất thủy giả: trư tâm nhất cá, đới huyết phá khai, dùng đẳng sâm, đương quy các nhị lạng, đại nhập trư tâm trung chử thục, khứ nhị vị dược, chỉ ngật trư tâm”. Kinh nghiệm dân gian thường dùng tim lợn 1 quả làm sạch, bổ đôi rồi cho 10g ngũ vị tử vào trong, buộc kín lại đem hầm nhừ rồi ăn. Ngoài ra, còn dùng tim lợn 1 quả thái miếng đem xào với 150g lá kỷ tử bằng dầu lạc ăn để chữa chứng tự hãn kèm theo cảm giác hồi hộp, khó thở, dễ kinh sợ.
Ngao, sò: kinh nghiệm dân gian thường dùng ngao nấu canh với rau hẹ ăn hàng ngày để trị chứng ra mồ hôi trộm thể âm hư do lao phổi. Sò có công dụng ích huyết tư thận, bổ âm dưỡng tân, thường được dùng để chữa chứng ra mồ hôi trộm bằng cách: sò 3 lạng sấy khô tán bột, quất bì 2 lạng sao khô tán bột, hai thứ trộn đều với nhau, mỗi ngày uống 3 lần, mỗi lần 6g với mật ong.
Ngân nhĩ (mộc nhĩ trắng): Thường dùng ngân nhĩ loại tốt 12g, rửa sạch, ngâm nước cho nở hết rồi thái vụn đem hấp cách thủy với đường phèn ăn hằng ngày để chữa chứng không có mồ hôi.
Cà rốt: Dùng cà rốt 250g rửa sạch, thái mỏng, đại táo 12g, hai thứ đem sắc lấy nước uống hàng ngày để chữa chứng không có mồ hôi.
Hoài sơn (củ mài): Thường dùng củ mài 30-60g, kỷ tử 15-30g, não lợn 1 bộ, tất cả đem hầm chín ăn để trị chứng tự hãn và đạo hãn.
Quả trám và bí đao: Thường dùng để chữa chứng mồ hôi nặng mùi bằng cách: trám 100g, củ cải tươi 500g, sắc lấy nước uống thay trà hàng ngày hoặc bí đao 500g gọt bỏ vỏ thái miếng, ý dĩ 50g, hai thứ nấu canh ăn hằng ngày hoặc bí đao tươi để cả vỏ 750g thái miếng và lá sen tươi 1 tàu sắc lấy nước uống thay trà.
Xích tiểu đậu và mã thầy: Thường dùng để chữa chứng mồ hôi màu vàng bằng cách: lấy mã thầy 10-15 củ, cà rốt 200g, hai thứ thái miếng sắc lấy nước uống hoặc dùng xích tiểu đậu 60g, bí đao 500g, nấu canh ăn hàng ngày.
Đông trùng hạ thảo: Kinh nghiệm dân gian dùng đông trùng hạ thảo 5g hầm với 100g thịt lợn nạc hoặc thịt gà để chữa chứng tự hãn và đạo hãn do cơ thể quá suy nhược.
Ngoài ra, với chứng tự hãn còn nên trọng dụng biển đậu, hạt dẻ, gan lợn, xương sống, đậu phụ, cá chạch, thịt gà, trứng gà, khiếm thực, bạch truật, đẳng sâm… Chứng đạo hãn trọng dụng nho, tâm sen, kim anh tử, thịt vịt, cá quả, cà chua, củ mài, phổi lợn, ngân nhĩ, lạc… Chứng mồ hôi vàng trọng dụng lê, mướp đắng, đậu xanh, xích tiểu đậu, ý dĩ, rau sam…
Theo Thaythuoccuaban